Kính gửi: Công Ty TNHH IBM Việt Nam
Trả lời công văn số 0101/2021 ngày 04/01/2021 của Công ty về việc vướng mắc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 385 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa thì:
“1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. 2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 về mua bán hàng hóa quốc tế thì: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì:
“1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận; hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ.’’
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp Hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC bổ sung Điều 16a quy định về lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì:
“1. Hồ sơ hải quan người khai hải quan phải lưu giữ gồm: …đ) Hợp đồng mua bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bao gồm cả hợp đồng gia công, hợp đồng thuê gia công lại, hợp đồng thuê mượn, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng sửa chữa, bảo hành và phụ lục hợp đồng, các chứng từ có liên quan đến điều chỉnh, bổ sung hợp đồng) hoặc các chứng từ có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.
Hợp đồng ủy thác trong trường hợp ủy thác xuất khẩu, ủy thác nhập khẩu.
…2. Người khai hải quan chịu trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan, thanh tra. Bản chính có thể được thể hiện dưới dạng chứng từ điện tử hoặc chứng từ giấy.
Trường hợp bản chính dưới dạng chứng từ giấy đã nộp cho cơ quan hải quan, người khai hải quan phải lưu giữ bản chụp. Đối với chứng từ dưới dạng điện tử, người khai hải quan phải lưu bản điện tử… ”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hải quan thì chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cứ các quy định nêu trên, người khai hải quan có trách nhiệm lưu giữ bản chính hợp đồng mua bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các chứng từ có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC bổ sung Điều 16a để phục vụ cho việc kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành hải quan; trường hợp chứng từ điện tử thì người khai hải quan phải lưu bản điện tử và phải đảm bảo tính toàn vẹn, khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính “vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể, thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, xác định quy định pháp luật đã bị vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
Trường hợp Công ty có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì áp dụng Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đối chiếu với hành vi vi phạm để xử phạt.
Đề nghị Công ty căn cứ lệnh đặt hàng online và đối chiếu với các quy định nêu trên để thực hiện, trường hợp phát sinh vướng mắc, liên hệ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.