BỘ CÔNG THƯƠNG ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 1578/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số 3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số 2466/QĐ-BCT ngày 21 tháng 09 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Căn cứ Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía, phân loại theo mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90; và 1702.90.91 được nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã vụ việc AD13-AS01). Nội dung chi tiết được nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 6 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ: NN&PTNT, TC, NG, TTTT; – Bộ trưởng; – Các Thứ trưởng; – Các website: Chính phủ, Bộ Công Thương; – Tổng cục Hải quan (Cục TXNK, Cục GSQL); – Các Cục: CN, XNK; – Các Vụ: AP, ĐB, TTTN, PC; – Văn phòng BCĐLNHNQT về kinh tế; – Hiệp hội Mía đường Việt Nam; – Lưu: VT, PVTM (8). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Quốc Khánh |
ÁP DỤNG THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ THUẾ CHỐNG TRỢ CẤP CHÍNH THỨC ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐƯỜNG MÍA CÓ XUẤT XỨ TỪ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. Mô tả hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức
a) Tên gọi và đặc tính cơ bản
– Tên khoa học: đường sacarose (sucrose).
– Tên gọi thông thường: đường cát, đường mía, đường kính, đường thô, đường trắng, đường tinh luyện, đường RE, đường RS…
b) Mã số hàng hóa (Mã HS) và mức thuế nhập khẩu hiện hành
Tại thời điểm hiện tại, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) chính thức được phân loại theo mã HS sau: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90; và 1702.90.91.
Mã số | Mô tả hàng hóa | Thuế nhập khẩu ưu đãi(Thuế MFN) |
Chương 17 | Đường và các loại kẹo đường | |
1701 | Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn. | |
– Đường thô chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu: | ||
1701.1300 | — Đường mía đã nêu trong Chú giải phân nhóm 2 của Chương này | Trong hạn ngạch 25%, ngoài hạn ngạch 80% |
1701.1400 | — Các loại đường mía khác | Trong hạn ngạch 25%, ngoài hạn ngạch 80% |
– Loại khác: | ||
1701.9100 | — Đã pha thêm hương liệu hoặc chất màu | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 100% |
1701.99 | — Loại khác: | |
1701.9910 | — Đường đã tinh luyện | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 85% |
1701.9990 | — Loại khác | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 85% |
1702 | Đường khác, kể cả đường lactoza, mantoza, glucoza và fructoza, tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn; xirô đường chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu; mật ong nhân tạo, đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên; đường caramen. | |
1702.90 | – Loại khác, kể cả đường nghịch chuyển và đường khác và hỗn hợp xirô đường có chứa hàm lượng fructoza là 50% tính theo trọng lượng ở thể khô: | |
— Loại khác | ||
1702.9091 | — Xi rô đường | 15% |
Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG và CTC chính thức để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).
Hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG và CTC chính thức là hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
2. Kết luận điều tra cuối cùng
Kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định rằng có tồn tại: (i) hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; (ii) ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; và (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
3. Mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức
Tên tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu | Mức thuế CBPG chính thức | Mức thuế CTC chính thức |
Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan | 42,99% | 4,65% |
Thuế CBPG và CTC là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
4. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức
a) Thời hạn áp dụng
Thời hạn áp dụng thuế CBPG, thuế CTC chính thức là 05 (năm) năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế CBPG, thuế CTC chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương).
b) Áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước
Căn cứ Kết luận điều tra cuối cùng và dữ liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, Bộ Công Thương xác định rằng không có sự gia tăng đột biến về khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp vào Việt Nam trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG và CTC tạm thời, do đó không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp CBPG, CTC có hiệu lực về trước theo quy định tại Khoản 4 Điều 81 và Khoản 4 Điều 89 Luật Quản lý ngoại thương.
5. Xác định xuất xứ của hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp CBPG, CTC
Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế CBPG và CTC, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); hoặc
b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại:
– Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN;
– Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương;
– Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu; và
– Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len.
Nội dung kiểm tra cụ thể như sau:
– Nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Vương quốc Thái Lan thì không phải nộp thuế CBPG và CTC chính thức.
– Nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Vương quốc Thái Lan hoặc không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì áp dụng mức thuế CBPG và CTC theo quy định tại Mục 3 của Thông báo này.
6. Mức chênh lệch thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp
Trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức thấp hơn mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, khoản chênh lệch về thuế sẽ được hoàn lại theo quy định tại khoản 5 Điều 68 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương, Cơ quan điều tra sẽ thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại./.