BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 6372/TCHQ -GSQL V/v thực hiện Thông tư số 33/2023/TT-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của một số đơn vị về việc triển khai thực hiện Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính. Để đảm bảo các đơn vị thực hiện thống nhất quy định tại Thông tư, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 33/2023/TT-BTC.
Đối với hàng hóa thuộc Danh mục tại Phụ lục V Thông tư số 33/2023/TT-BTC là hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát. Do vậy, đề nghị các đơn vị căn cứ khoản 2 Điều 12 và Danh mục V ban hành kèm Thông tư số 33/2023/TT-BTC để thực hiện.
2. Về việc kiểm tra, đối chiếu thông tin về C/O trên trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cung cấp được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 và khoản 1 Điều 15 Thông tư số 33/2023/TT-BTC, cụ thể:
– Trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo thì cơ quan hải quan căn cứ thông tin về C/O khai trên tờ khai hải quan để đối chiếu, kiểm tra tính hợp lệ của C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc trang thông tin điện tử đó và xác định thuế suất ưu đãi theo quy định; không yêu cầu người khai hải quan phải nộp C/O.
– Trường hợp trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo không có đầy đủ các thông tin về C/O để cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định được tính hợp lệ của C/O thì cơ quan hải quan ngoài việc đối chiếu, kiểm tra các thông tin về C/O trên trang thông tin điện tử còn phải đối chiếu, kiểm tra C/O dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan) đã được người khai nộp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) để xác định tính hợp lệ của C/O.
Các đơn vị tra cứu các thông tin về C/O trên Trang thông tin điện tử do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp và đã được Tổng cục Hải quan thông báo, để kiểm tra, xác định định tính hợp lệ của C/O theo quy định.
3. Thủ tục từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP:
Trường hợp cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là không hợp lệ thì thực hiện thủ tục từ chối ngay tại thời điểm thông quan.
Trường hợp cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở từ chối ngay tại thời điểm thông quan thì thực hiện thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 33/2023/TT-BTC. Sau khi nhận được kết quả xác minh nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ háng hoá không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thì Tổng cục Hải quan thông báo cho người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo. Nếu các thông tin cung cấp không phù hợp thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.
4. Xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng than nhập khẩu để xác định hàng hóa đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do:
Trong quá trình chờ kết quả xác minh, trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hoặc trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, hoặc đã được người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng các thông tin tối thiểu theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư số 33/2023/TT-BTC thì hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định.
5. Về việc trừ lùi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 33/2023/TT-BTC, theo đó đối với lô hàng có chung hợp đồng, hóa đơn thương mại nhưng nhập khẩu nhiều lần, nhiều chuyến được sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lập Phiếu theo dõi trừ lùi.
6. Về việc thực hiện bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch theo quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 12 Thông tư số 33/2023/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc và bổ sung bài toán khi xây dựng Hải quan số để hỗ trợ việc thông quan/giải phóng hàng hóa đối với trường hợp áp dụng bảo lãnh thuế theo quy định tại Thông tư này.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện./.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu: VT, GSQL (3b). | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG KT. CỤC TRƯỞNG CỤC GSQL VỀ HQ PHÓ CỤC TRƯỞNG Đào Duy Tám |