#6 – Tổng hợp về loại hình gia công

I. Cơ bản về gia công là gì?

Nom na là mình làm cho người ta 1 công đoạn hay 1 sản phẩm nào đó và mình nhận cái tiền công để làm ra công đoạn hay sản phẩm đó. (ví dụ gia công giày dép, quần áo….)

vậy thì sẻ phát sinh ra 1 số khái niệm như này:

Bên thuê gia công: là bên cung cấp nguyên liệu toàn bộ hoặc 1 phần bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp (có thể có cả máy móc thiết bị, hàng mẫu, khuôn mẫu, tài liệu kỹ thuật…) và quan trọng nhớ trả phí gia công cho bên nhận gia công 🙂

Bên nhận gia công: nhận gia công 1 phần hay toàn bộ sản phẩm và quan trọng là được nhận tiền công gia công

Bên cung ứng: thường là các bên cung cấp những nguyên liệu mà bên thuê gia công không có hoặc được bên thuê gia công chỉ định hoặc bên nhận gia công tự mua .

II. Mã loại hình VNACCS hàng gia công là gì ?

-Xuất gia công

+ E52 : xuất sản phẩm gia công cho thương nhân nước ngoài
+ E54 : xuất nguyên liệu gia công từ hợp đồng này sang hợp đồng khác
+ E62 : xuất sản phẩm sản xuất xuất khẩu
+ E82 : xuất nguyên liệu, vật tư thuê gia công ở nước ngoài (kể cả thuê DNCX)

-Nhập gia công

+ E21: Nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài
+ E23: Nhập nguyên liệu, vật tư gia công từ hợp đồng khác chuyển sang
+ E31: Nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu
+ E33: Nhập nguyên liệu, vật tư vào kho bảo thuế
+ E41: Nhập sản phẩm thuê gia công ở nước ngoài (hoặc thuê DNCX GC)

III. Các kiểu gia công

3.1 Gia công xuôi

Nhận gia công cho đối tác nước ngoài (Bao gồm cả DN nội địa nhận gia công cho doanh nghiệp chế xuất)

Gia công hàng hoá xuất nhập khẩu hay còn gọi là gia công quốc tế ( International Processing) là các hoạt động sản xuất, chế biến, lắp ráp, đóng gói… nhằm chuyển hoá nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm theo các yêu cầu của bên đặt gia công. Trong đó, bên đặt gia công là pháp nhân hoặc thể nhân nước ngoài (kể cả các doanh nghiệp trong khu chế xuất), bên gia cônglà các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao…).

Bên đặt gia công cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu hoặc bán thành phẩm theo mẫu và định mức cho trước. Bên gia côngtrong nước tổ chức quá trình sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Toàn bộ sản phẩm làm ra bên gia côngsẽ giao lại cho bên đặt gia công.

3.2. Gia công ngược:

Thuê đối tác nước ngoài hoặc doanh nghiệp nội địa thuê doanh nghiệp chế xuất gia công.

3.3. Gia công lại:

Doanh nghiệp có hợp đồng gia công nhưng thuê doanh nghiệp khác thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng gia công.

3.4. Gia công ngoài:

Doanh nghiệp thuê ngoài một số công đoạn hoặc toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm .

3.5. Gia công chuyển tiếp :

Sản phẩm hợp đồng gia công này là nguyên vật liệu của hợp đồng gia công khác.

IV. Thủ tục hải quan

4.1 Hợp đồng gia công

-Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:

1. Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

2. Tên, số lượng sản phẩm gia công.

3. Giá gia công.

4. Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

5. Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

6. Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

7. Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

8. Địa điểm và thời gian giao hàng.

9. Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

10. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

 Như vậy: 

+ Hợp đồng gia công chúng ta cần làm theo quy chuẩn được quy định rõ tại điều 39 nghị định 187/2013/NĐ-CP nay là nghị định 69/2018/NĐ-CP. Chú ý, đối với phương pháp xử lý nguyên liệu vật tư dư thừa, máy móc thiết bị thuê mượn chúng ta bê nguyên điều 64 thông tư 38/2015/TT-BTC vào.

+ Những hạng mục nào chưa có trong hợp đồng thì được thể hiện trong các phụ lục hợp đồng. Một hợp đồng gia công, không giới hạn bao nhiêu phụ lục hợp đồng gia công.

– phải khai báo hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công lên vnaccs theo hướng dẫn tại Điểm 2 Khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC

4.2. Thông báo cơ sở sản xuất:

“Điều 56. Thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu; hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công

1. Thông báo cơ sở gia công, gia công lại, cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu (sau đây gọi là thông báo CSSX)

a) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân:

a.1) Thông báo CSSX theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 20 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này và các chứng từ khác kèm theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cho Chi cục Hải quan do tổ chức, cá nhân dự kiến lựa chọn làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (sau đây gọi là Chi cục Hải quan quản lý) Thông tư này thông qua Hệ thống, bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp chế xuất (sau đây gọi là DNCX).

Trường hợp Hệ thống gặp sự cố, tổ chức, cá nhân thông báo CSSX theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

a.2) Trường hợp thông tin về cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã thông báo có sự thay đổi thì tổ chức cá nhân phải thông báo bổ sung thông tin thay đổi cho Chi cục Hải quan quản lý thông qua Hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi;

a.3) Trường hợp lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản phẩm ngoài cơ sở sản xuất thì trước khi đưa nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đến địa điểm lưu giữ, tổ chức, cá nhân phải thông báo địa điểm lưu giữ cho Chi cục Hải quan quản lý thông qua Hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;

a.4) Trường hợp thay đổi Chi cục Hải quan quản lý (nơi đã thông báo CSSX) thì tổ chức, cá nhân thông báo đến Chi cục Hải quan quản lý trước đây, Chi cục Hải quan quản lý mới thông qua Hệ thống hoặc bằng văn bản và thực hiện thông báo CSSX cho Chi cục Hải quan quản lý mới theo quy định tại điểm a.1 khoản này. Tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo quyết toán tại Chi cục Hải quan quản lý mới theo quy định tại Điều 60 Thông tư này;

a.5) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung kê khai trong văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu;

a.6) Tiếp nhận phản hồi của cơ quan hải quan để sửa đổi, bổ sung (nếu có) thông tin đã thông báo trên Hệ thống.

b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

b.1) Hệ thống tự động tiếp nhận thông báo CSSX;

b.2) Trong thời hạn 02 giờ làm việc kể từ khi hệ thống tiếp nhận thông báo cơ sở sản xuất, cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu thông tin thông báo CSSX với các chứng từ do tổ chức, cá nhân gửi kèm theo hệ thống và xử lý kết quả như sau:

b.2.1) Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp hoặc tổ chức cá nhân chưa khai đầy đủ chỉ tiêu thông tin thì phản hồi thông tin trên Hệ thống để tổ chức, cá nhân biết sửa đổi, bổ sung;

b.2.2) Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp thì phản hồi thông tin chấp nhận thông báo CSSX trên Hệ thống cho tổ chức, cá nhân;

b.2.3) Trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất theo khoản 1 Điều 57 Thông tư này thì phản hồi trên Hệ thống để tổ chức, cá nhân biết.

b.3) Thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất đối với trường hợp phải kiểm tra theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Điều 57 Thông tư này;

b.4) Thực hiện kiểm tra địa điểm lưu giữ nguyên liệu, vật tư và hàng hóa xuất khẩu ngoài cơ sở sản xuất trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân không lưu giữ nguyên liệu, vật tư và sản phẩm xuất khẩu tại địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan;

b.5) Trường hợp tổ chức, cá nhân thay đổi Chi cục Hải quan quản lý (nơi đã thông báo CSSX) thì Chi cục Hải quan quản lý mới thực hiện theo quy định tại điểm b.1, điểm b.2, điểm b.3 và điểm b.4 khoản này; Chi cục Hải quan quản lý trước đây trao đổi, cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân cho Chi cục Hải quan quản lý mới gồm thông tin về báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa xuất khẩu; tình hình chấp hành pháp luật; thông tin về các nghĩa vụ thuế, thủ tục hải quan tổ chức cá nhân chưa hoàn thành (nếu có) và các thông tin thu thập được trong quá trình quản lý tổ chức, cá nhân đến thời điểm thay đổi.

Lưu ý:

Những doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất vẫn được thực hiện hợp đồng gia công nếu thông báo cơ sở sản xuất của đối tác gia công lại. Đọc quy định tại khoản 1 điều 10 nghị định 134/2016/NĐ-CP

4.3. Địa điểm làm thủ tục Hải quan

a) Đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu: Tổ chức, cá nhân được lựa chọn làm thủ tục nhập khẩu tại 01 Chi cục Hải quan sau đây:

a.1) Chi cục Hải quan nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất;

a.2) Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

a.3) Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu thuộc Cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có cửa khẩu nhập.

Việc lựa chọn chi cục Hải quan là tùy ý doanh nghiệp, sau khi lựa chọn được nơi thực hiện thủ tục Hải quan, chúng ta cần thông báo cơ sở sản xuất.

4.4. Báo cáo quyết toán

1. Thời hạn nộp báo cáo quyết toán

Định kỳ hàng năm, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu trong năm tài chính cho cơ quan hải quan.

2. Địa điểm nộp báo cáo quyết toán

Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 58 Thông tư này hoặc Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

a) Nộp báo cáo quyết toán

a.1) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

Nộp báo cáo quyết toán theo nguyên tắc tổng trị giá nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống. Báo cáo quyết toán phải phù hợp với chứng từ hạch toán kế toán của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra sản phẩm sau đó bán sản phẩm cho tổ chức, cá nhân khác để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu và tổ chức, cá nhân xuất khẩu phải báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều này;

a.2) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài:

Trường hợp tổ chức, cá nhân theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do bên đặt gia công cung cấp, máy móc, thiết bị thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh tại tài khoản ngoài bảng hoặc trên Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân thì nộp báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL đối với nguyên liệu, vật tư và mẫu số 16/BCQT-MMTB/GSQL đối với máy móc, thiết bị ban hành kèm theo Phụ lục V Thông tư này. Trường hợp Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân theo dõi chi tiết lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được sử dụng kết quả kết xuất từ Hệ thống của tổ chức, cá nhân để lập báo cáo quyết toán đối với phần hàng hóa không quản lý theo trị giá này;

a.3) Đối với DNCX báo cáo quyết toán được lập theo nguyên tắc nêu tại điểm a.1, a.2 khoản này tương ứng với loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc gia công.

b) Lập và lưu trữ sổ chi tiết nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó ghi rõ số tờ khai hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu, vật tư;

c) Lập và lưu trữ sổ chi tiết sản phẩm xuất kho để xuất khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó xác định rõ xuất khẩu theo số hợp đồng, đơn hàng;

d) Lập và lưu trữ chứng từ liên quan đến việc xử lý phế liệu, phế phẩm;

đ) Xuất trình toàn bộ hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan đến nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu khi cơ quan hải quan kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.

5. Trách nhiệm của cơ quan hải quan

a) Tiếp nhận báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu do người khai hải quan nộp;

b) Kiểm tra báo cáo quyết toán:

b.1) Các trường hợp kiểm tra báo cáo quyết toán:

b.1.1) Báo cáo quyết toán của tổ chức, cá nhân nộp lần đầu;

b.1.2) Báo cáo quyết toán có sự chênh lệch bất thường về số liệu so với Hệ thống của cơ quan hải quan;

b.1.3) Kiểm tra sau khi ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế;

b.1.4) Kiểm tra báo cáo quyết toán trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Đối với doanh nghiệp ưu tiên, việc kiểm tra báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa đối với doanh nghiệp.

b.2) Trường hợp tại thời điểm kiểm tra báo cáo quyết toán phát sinh việc kiểm tra trước khi ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán kết hợp kiểm tra hoàn thuế, không thu thuế;

b.3) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và xử lý kết quả kiểm tra thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tại trụ sở người khai hải quan quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 59 Thông tư này.

Trường hợp kiểm tra báo cáo quyết toán kết hợp việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại trụ sở người khai hải quan, ngoài trình tự, thủ tục kiểm tra theo quy định tại Điều 59 Thông tư này, cơ quan hải quan phải thực hiện kiểm tra và kết luận về tính chính xác, trung thực của hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế và việc đáp ứng các điều kiện quy định về các trường hợp được hoàn thuế, không thu thuế của tổ chức, cá nhân.

Lưu ! (0)
Hãy Đăng nhập để lưu bài viết này nha! nếu chưa có tài khoản hãy Đăng ký

Dịch vụ giao nhận XNK

Dịch vụ hải quan, Vận chuyển, Xin giấy phép...
docs@tbnexim.vn0973242113
Bình luận

Viết một bình luận

Nhận tin qua Email