BỘ CÔNG THƯƠNG ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 8739/BCT-XNK V/v hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)
Trả lời công văn số 4698/TCHQ-GSQL ngày 11 tháng 9 năm 2023 của Tổng cục Hải quan về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Khoản 3 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương quy định như sau:
“3. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Khoản 3 Điều 3 Nghị định 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam quy định:
“3. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; quyền xuất khẩu; quyền nhập khẩu; quyền phân phối được giải thích tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ.”
Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ được thay thế bởi Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Điều 2 và Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu như sau:
“2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. ”
– Trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong phạm vi quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 90/2007/NĐ-CP và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên và cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP.
2. Trường hợp thương nhân nước ngoài đặt gia công hàng hóa tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Mục I. Gia công trong thương mại tại Chương VI Luật Thương mại 2005, Điều 51 Luật Quản lý ngoại thương và Chương V. Gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Bộ Công Thương xin gửi ý kiến để Tổng cục Hải quan tổng hợp./.
Nơi nhận: – Như trên; – Bộ trưởng (để b/c); – Vụ PC, ĐB; – Lưu: VT, XNK (2). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Sinh Nhật Tân |