BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 1869/TCHQ-GSQL V/v hàng hóa TNTX, quá cảnh thay đổi phương thức vận tải | Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.
Trả lời công văn số 579/HQTH-NV ngày 12/4/2022 của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa về việc nêu tại trích yếu, căn cứ quy định tại Điều 70 Luật Hải quan năm 2014, Khoản 1, Điều 83 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đồng ý giao Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện công tác giám sát, quản lý đối với hàng hóa kinh doanh TNTX và quá cảnh (quặng sắt dạng rời) của Công ty cổ phần đầu tư Thương mại FTC Việt Nam có thay đổi phương thức vận tải tại ga Bỉm Sơn và ga Thanh Hóa, cụ thể như sau:
1. Yêu cầu về niêm phong hải quan:
– Hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh TNTX đề nghị được thay đổi phương thức vận tải tại ga Bỉm Sơn, ga Thanh Hóa phải được niêm phong hải quan theo quy định từ nơi lưu giữ hàng hóa/ từ cửa khẩu nhập đến ga Bỉm Sơn, ga Thanh Hóa;
– Toa xe đường sắt vận chuyển hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh TNTX phải là toa xe kín có thể niêm phong hải quan, trường hợp sử dụng toa xe mui trần thì phải phủ bạt, niêm phong hải quan theo quy định.
2. Về thủ tục hải quan:
a) Đối với người khai hải quan:
– Thực hiện khai báo 01 tờ khai vận chuyển độc lập đối với chặng vận chuyển hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh TNTX từ cửa khẩu nhập đầu tiên (cửa khẩu quốc tế Na Mèo) đến cửa khẩu xuất cuối cùng (Ga đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai) theo quy định tại Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính;
– Có văn bản đề nghị được thực hiện thay đổi phương thức vận tải tại ga Bỉm Sơn, ga Thanh Hóa gửi Chi cục Hải quan được giao nhiệm vụ giám sát theo phân công của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ đồng thời thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để theo dõi.
b) Đối với Chi cục Hải quan tại cửa khẩu nhập:
– Thực hiện trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi theo quy định tại Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính);
– Lập Biên bản bàn giao theo mẫu số 10/BBBG/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (03 bản), lưu 01 bản tại Chi cục, giao cho người khai hải quan 02 Bản để vận chuyển cùng hàng hóa và bàn giao cho Chi cục Hải quan nơi thực hiện thay đổi phương thức vận tải (Chi cục Hải quan theo phân công của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa) để làm tiếp thủ tục theo quy định.
c) Đối với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa quá cảnh, kinh doanh TNTX thực hiện thay đổi phương thức vận tải (Chi cục Hải quan theo phân công của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa):
– Trường hợp chấp nhận đề nghị thay đổi phương thức vận tải, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa căn cứ biên chế hiện có, chỉ đạo Chi cục Hải quan bố trí lực lượng, kết hợp sử dụng thiết bị kỹ thuật đảm bảo hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh TNTX phải chịu sự giám sát hải quan trong suốt quá trình tập kết, lưu giữ và chuyển từ phương tiện vận tải ô tô sang toa xe đường sắt tại ga Bỉm Sơn, ga Thanh Hóa theo quy định pháp luật;
– Tiếp nhận Biên bản bàn giao từ người khai hải quan, kiểm tra các thông tin trên Biên bản bàn giao, kiểm tra tình trạng niêm phong, đối chiếu số niêm phong thực tế với số niêm phong trên Biên bản bàn giao; Nếu kết quả phù hợp thì xác nhận trên 02 Biên bản bàn giao, lưu 01 bản tại Chi cục, giao 01 bản cho người khai hải quan, đồng thời FAX hồi báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập;
– Niêm phong hàng hóa sau khi đã chuyển tải, lập Biên bản bàn giao theo mẫu số 10/BBBG/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (03 bản), lưu 01 bản tại Chi cục, giao cho người khai hải quan 02 Bản để vận chuyển cùng hàng hóa và bàn giao cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa chuyển đến để làm tiếp thủ tục theo quy định. Biên bản bàn giao phải thể hiện chi tiết số các tờ khai vận chuyển độc lập, hàng hóa của từng tờ khai vận chuyển độc lập được chuyển tải tương ứng với số hiệu toa xe, số niêm phong hải quan để Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập có cơ sở kiểm tra, theo dõi và thanh khoản tờ khai vận chuyển độc lập.
d) Đối với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến (Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất):
– Thực hiện trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến theo quy định tại Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính;
– Tiếp nhận Biên bản bàn giao từ người khai hải quan, kiểm tra các thông tin trên Biên bản bàn giao, kiểm tra tình trạng niêm phong, đối chiếu số niêm phong thực tế thông tin số niêm phong trên Biên bản bàn giao; kết quả phù hợp thì xác nhận trên 02 Biên bản bàn giao, lưu 01 bản tại Chi cục, giao 01 bản cho người khai hải quan, đồng thời FAX hồi báo cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu: VT, GSQL (3b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Mai Xuân Thành |